Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định “… coi Halal là cơ hội vàng để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực sản xuất, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị Halal toàn cầu…”
Chiều 22/10, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia – Hà Nội, Hội nghị “Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam” đã diễn ra với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành và hơn 600 đại biểu, đến từ hơn 50 quốc gia và tổ chức quốc tế. Hội nghị do Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức nhằm thúc đẩy Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng Halal toàn cầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh cùng các đại biểu tham dự.
Quang cảnh hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định mối quan tâm sâu sắc của Chính phủ trong việc phát triển nền kinh tế Halal, với các ý nghĩa nhân văn nhằm “kết nối con người Việt Nam với con người trên các nước trên thế giới”, “kết nối Việt Nam với thế giới thông qua sản phẩm, dịch vụ Halal”, “kết nối nền kinh tế Việt Nam với nền kinh tế toàn cầu một cách đa dạng, phong phú, toàn diện và bền vững” và “kết nối văn hoá Việt Nam với văn hoá các nước trên thế giới”.
Thủ tướng nhấn mạnh 3 thông điệp về phát triển ngành Halal. Nổi bật là việc Việt Nam “rất quan tâm và mong muốn đưa hợp tác về Halal thành một trụ cột trong quan hệ kinh tế quốc tế trong cả hiện tại và tương lai”.
Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ cũng đã chia sẻ về tiềm năng, lợi thế của Việt Nam trong phát triển ngành Halal, tham gia vào chuỗi cung ứng Halal toàn cầu. Thủ tướng nhấn mạnh, việc phát triển sản phẩm Halal, hệ sinh thái Halal rất thuận lợi bởi Việt Nam có một nền tảng vững chắc cả về kinh tế, văn hóa, chính trị, có đầy đủ các yếu tố để phát triển ngành công nghiệp Halal nhanh và bền vững.
Tại Hội nghị, các đại biểu trong nước và quốc tế đánh giá cao các tiềm năng, thế mạnh và chiến lược của Việt Nam trong việc tích cực tham gia vào thị trường Halal toàn cầu. Chủ tịch Cơ quan Halal Ấn Độ Mohamed Jinna khẳng định rằng Việt Nam đang đứng trước “tương lai tươi sáng” khi tiếp cận một thị trường Halal toàn cầu “đang rộng mở”, trong đó chứng nhận Halal sẽ là “cánh cửa” để Việt Nam tiếp cận một thị trường trải dài trên nhiều ngành công nghiệp khác nhau như thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thời trang, du lịch…
Thủ tướng và các đại biểu nhận định rằng để tham gia hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu, Việt Nam cần tập trung kết nối doanh nghiệp với các đối tác trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, dệt may, dược và mỹ phẩm; thu hút đầu tư, phát triển nguồn nhân lực; hoàn thiện khung pháp lý về Halal và tối ưu hóa quy trình chứng nhận; đồng thời đẩy mạnh giao lưu văn hóa để tăng cường hiểu biết với các quốc gia Hồi giáo.
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao việc Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng Quốc gia (STAMEQ) đã thành lập và đưa vào vận hành Trung tâm Chứng nhận Halal Quốc gia (HALCERT), với tầm nhìn đưa cơ quan này trở thành một địa chỉ chứng nhận uy tín, được kiểm soát bởi Nhà nước và các bộ tiêu chuẩn quốc gia TCVNs, nhằm đảm bảo tối đa tính toàn vẹn của sản phẩm Halal Việt Nam. Chủ tịch Trung tâm Công nhận Halal Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) Moteb Al-Mezani cũng cho rằng chứng nhận sản phẩm nói chung, trong đó có chứng nhận Halal, là sự thể hiện cao nhất của niềm tin đối với chất lượng sản phẩm, chủ trương phát triển ngành Halal của Việt Nam phù hợp với lợi ích, định hướng phát triển quan hệ hợp tác của các nước vùng Vịnh.
Lắng nghe chỉ đạo từ Thủ tướng, ông Ramlan Bin Osman, Phụ trách Trung tâm Chứng nhận Halal Quốc gia (HALCERT), chia sẻ: “HALCERT không chỉ tập trung vào việc cung cấp dịch vụ chứng nhận Halal, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao hiểu biết về tiêu chuẩn Halal quốc tế. Chúng tôi cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp từ khâu sản xuất đến kiểm định, đảm bảo rằng các sản phẩm không chỉ đáp ứng đầy đủ yêu cầu Halal mà còn gia tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, HALCERT cũng tích cực trong việc hỗ trợ đào tạo và phát triển, giúp các doanh nghiệp Việt Nam thực sự hiểu về quy trình, yêu cầu của các thị trường Hồi giáo, từ đó mở rộng cơ hội xuất khẩu và xây dựng thương hiệu uy tín.”
Bên cạnh sự ra mắt của HALCERT, trong khuôn khổ Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu cũng đã chứng kiến Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 14230:2024 về Dịch vụ du lịch thân thiện với người Hồi giáo được công bố, Lễ ra mắt “Góc Halal” trên Báo Thế giới và Việt Nam, cùng Lễ trao 05 văn kiện hợp tác giữa Cơ quan Halal Hàn Quốc (KHA), Trung tâm Chứng nhận Halal châu Âu (ECC), Học viện Halal thuộc công ty TNHH GAE Resource (Malaysia) với HALCERT, giữa Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Ninh với Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT); và giữa Trung tâm Công nhận GCC (GAC) với Văn phòng Công nhận Chất lượng (BoA).
Trước đó, trong phần phát biểu khai mạc, ông Huỳnh Thành Đạt – Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ cũng cho biết thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp sâu hơn với các bộ, ngành, doanh nghiệp và đối tác quốc tế để xây dựng một hệ sinh thái Halal bền vững, từ việc tiêu chuẩn hóa quy trình sản xuất, tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ đến nâng cao năng lực chứng nhận Halal của Việt Nam, đảm bảo các sản phẩm và dịch vụ đạt được các tiêu chuẩn quốc tế cao nhất.
Chứng kiến Lễ trao các văn kiện này, Tổng Thư ký Viện Tiêu chuẩn và Đo lường các quốc gia Hồi giáo (SMIIC) Ihsan Ovut đánh giáo cao sự phát triển kinh tế năng động của Việt Nam, tiềm năng của Việt Nam trong phát triển ngành du lịch Halal, thực phẩm, mỹ phẩm và dược phẩm Halal, đồng thời thể hiện tinh thần sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm phát triển nền kinh tế Halal.
Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế, “Việt Nam có tiềm năng trở thành nhân tố quan trọng, trung tâm của nền kinh tế Halal toàn cầu” – trích lời Chủ tịch Cơ quan chứng nhận Halal Ấn Độ Mohamed Jinna.
Hồng Quân (Theo nguồn: https://tcvn.gov.vn/)