Ngày 8/7, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia tổ chức hội thảo chuyên môn tháng 6 với chuyên đề 6: Quản lý Nhà nước sản phẩm Halal và tổ chức chứng nhận Halal.
Tham dự hội thảo có Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia Hà Minh Hiệp, đại diện các đơn vị thuộc Ủy ban tham gia theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Phát biểu tại hội thảo, Quyền Chủ tịch Ủy ban cho biết, thị trường thực phẩm Halal toàn cầu là một trong những thị trường có tiềm năng lớn cũng như triển vọng tăng trưởng ngày càng cao. Đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất nông sản, thực phẩm thâm nhập thị trường.
“Với mong muốn, suy nghĩ những con người STAMEQ có thể nhìn nhận để phát triển dịch vụ mới về Halal và để đạt được điều này mỗi chúng ta cần tư duy, xây dựng những con người có chuyên môn sâu về vấn đề này”, Quyền Chủ tịch Ủy ban nhấn mạnh.
Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia Hà Minh Hiệp.
Chia sẻ thông tin liên quan đến công tác quản lý nhà nước về Halal, bà Nguyễn Thị Mai Hương – Vụ trưởng Vụ Đánh giá Hợp chuẩn hợp quy cho biết, chứng nhận Halal là quá trình xem xét đánh giá độc lập, khách quan của tổ chức được cấp phép để xác nhận rằng những sản phẩm/dịch vụ cụ thể được đánh giá không sử dụng các thành phần Haram (chất cấm theo quy định của luật Hồi giáo) và điều kiện sản xuất/cung cấp dịch vụ đáp ứng yêu cầu của Kinh Qur’an và luật Shari’ah và tiêu chuẩn Halal.
Tổ chức chứng nhận sản phẩm Halal ở Việt Nam phải đăng ký theo Nghị định số 107/2016/NĐ-CP, Nghị định số 154/2018/NĐ-CP, và hiện mới có 01 tổ chức chứng nhận đăng ký hoạt động chứng nhận sản phẩm Halal.
Cũng theo bà Hương, tiềm năng về Halal là rất lớn. Trên thế giới với dân số Hồi giáo gần 2 tỷ người (chiếm 1/4 dân số thế giới) cùng quy mô kinh tế đạt 7 .000 tỷ USD năm 2022, dự kiến tăng lên 10.000 tỷ USD vào năm 2028; ở trong nước hiện có 36.000 tín đồ Hồi giáo Islam ở 14 tỉnh, thành phố, năm 2023, kim ngạch trao đổi thương mại các thành viên Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) đạt 45,7 tỷ USD.
Bà Nguyễn Thị Mai Hương – Vụ trưởng Vụ Đánh giá Hợp chuẩn hợp quy.
Bà Hương cũng đưa ra 05 chính sách đề xuất quản lý sản phẩm dịch vụ Halal: Chính sách 1 – Quy định về tiêu chuẩn được áp dụng đối với sản phẩm dịch vụ Halal; Chính sách 2 – Quy định về yêu cầu đối với sản phẩm dịch vụ Halal; Chính sách 3 – Quy định về hoạt động đánh giá sự phù hợp đối với sản phẩm dịch vụ Halal và chấp nhận/thừa nhận kết quả chứng nhận của các tổ chức chứng nhận nước ngoài; Chính sách 4 – Quy định về kiểm tra việc tuân thủ yêu cầu của SPDV Halal; Chính sách 5 – Quy định về hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu sản phẩm Halal.
Trong khuôn khổ hội thảo, ông Trần Tuấn Anh – Phó Giám đốc Trung tâm Chứng nhận phù hợp (QUACERT) đã chia sẻ về nội dung chứng nhận để thúc đẩy ngành Halal Việt Nam. Theo đó, doanh nghiệp được chứng nhận xấp xỉ 1.000; 10 tỉnh thành có doanh nghiệp được chứng nhận; Các lĩnh vực chính của ngành Halal là hải sản, trà, sản phẩm đường, mỳ, bánh đa (bánh tráng), hoa quả (tươi/sấy).
Theo ông Tuấn Anh, Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thành lập (theo ủy quyền của Bộ Khoa học và Công nghệ) vào ngày 29/03/2024. Tổ chức chứng nhận Halal là pháp nhân, hoạt động hợp pháp, Việt Nam đăng ký hoạt động theo Nghị định số 107/2016/NĐ-CP; với năng lực chung được quản lý theo ISO 17065, nhân sự là người Hồi giáo: Người đứng đầu; chuyên gia đánh giá; nhóm ra quyết định chứng nhận.
Ông Trần Tuấn Anh – Phó Giám đốc Trung tâm Chứng nhận phù hợp (QUACERT).
Hiện nay, tiêu chuẩn Halal có TCVN 13888:2023 – Yêu cầu đối với tổ chức chứng nhận halal; 04 TCVN về sản phẩm: Thực phẩm (yêu cầu chung), Thực hành nông nghiệp, Giết mổ, Thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, chưa có TCVN riêng cho thử nghiệm và phòng thử nghiệm.
Chứng nhận Halal là chứng nhận tự nguyện và là chứng nhận quá trình, sản phẩm; Doanh nghiệp tự thực hiện thử nghiệm, tổ chức chứng nhận lấy mẫu thử nghiệm khi có nghi ngờ.
Chia sẻ thêm về định hướng phát triển ngành Halal, ông Tuấn Anh cho biết cần hoàn thiện các quy định quản lý ngành Halal, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn Halal, xúc tiến thương mại sản phẩm Halal; Hợp tác quốc tế: trước mắt được công nhận bởi UAE, Ả rập Xê út, Malaysia; Chứng nhận, thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ… của Việt Nam để đáp ứng yêu cầu của thị trường Halal các nước và toàn cầu.
Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Kế hoạch của HALCERT 2024, về đào tạo: Phối hợp Bộ Ngoại giao, các địa phương, sứ quán, IAMES, tổ chức quốc tế; về xây dựng hệ thống quản lý: Theo TCVN 13888, tiêu chuẩn quốc tế, nước ngoài: SMIIC, JAKIM…; về đăng ký công nhận và chứng nhận: UAE, Ả rập Xê út (SFDA), Malaysia (Jakim).
Theo TBT (Nguồn:https://ngheandost.gov.vn/)