Với tỷ lệ tăng dân số nhanh nhất thế giới, ước tính đến năm 2030 thế giới sẽ có khoảng 2,2 tỷ người Hồi giáo, tức khoảng 30% dân số toàn cầu. Nền kinh tế Halal phục vụ cho nhu cầu về sản phẩm, dịch vụ của người Hồi giáo (thực phẩm, đồ uống, mỹ phẩm, dược phẩm, thời trang, logistics, chăm sóc sức khỏe, du lịch…) [i] ước đạt 3.200 tỷ USD năm 2024 và sẽ đạt khoảng 10.000 tỷ USD vào năm 2030.
Số lượng người Hồi giáo gia tăng, trong đó tâng lớp trung lưu đang ngày càng lớn lên kéo theo sự bùng nổ của nhu cầu du lịch. Năm 2022 chi tiêu cho du lịch của người Hồi giáo khoảng 133 tỷ USD, con số này ước tăng lên mức 330 tỷ USD vào năm 2030. Các quốc gia Vùng Vịnh là những nước chi tiêu nhiều nhất cho du lịch.
Nguồn: Global Islamic Economy Report
Năm 2023, Indonesia, Malaysia, Saudi Arabia, UAE, Thổ Nhĩ Kỳ là 5 quốc gia Hồi giáo được du khách lựa chọn nhiều nhất. Trong khi đó 5 quốc gia/vùng lãnh thổ phi Hồi giáo đón lượng khách du lịch Hồi giáo nhiều nhất lần lượt là Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc), Thái Lan.
Theo báo cáo công bố hôm 21/5/2024 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) [ii], Việt Nam xếp hạng 59/119 quốc gia/vùng lãnh thổ về chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu, đứng thứ 5 trong ASEAN, sau Singapore xếp hạng 13, Indonesia 22, Malaysia 35 và Thái Lan 47. Mặc dù thứ hạng về chỉ sổ phát triển du lịch toàn cầu của Việt Nam không quá xa so với Thái Lan, tuy nhiên, Việt Nam không có tên trong số các quốc gia có lượng du khách Hồi giáo cao.
Chia sẻ về vấn đề này, đại sứ các nước OIC (Tổ chức hợp tác Hồi giáo) cho biết một trong các lý do chính là Việt Nam rất thiếu cơ sở vật chất phục vụ cho người Hồi giáo. Được biết cả Hà Nội chỉ có 05 nhà hàng được cấp chứng chỉ Halal. Ẩm thực Việt Nam rất phong phú và đa dạng, và không khó để tạo ra những món ăn mang phong vị Việt Nam nhưng đáp ứng yêu cầu Halal. Chúng tôi đã được thưởng thức món rau muống xào cá khô rất Việt Nam ở một nhà hàng Halal tại Hà Nội. Chỉ có điều con số 5 nhà hàng là quá ít so với nhu cầu của bản thân cộng đồng Hồi giáo sở tại cũng như những người Hồi giáo sống và làm việc ở Hà Nội.
Du lịch Halal, du lịch thân thiện với người Hồi giáo là các tên gọi khác nhau của ngành du lịch hướng tới đối tượng khách là người Hồi giáo. Ngoài du lịch hành hương (tới các địa điểm tôn giáo, nổi tiếng nhất là Thánh địa Mecca), du lịch thân thiện với người Hồi giáo còn hướng tới các nhu cầu nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, tìm hiểu văn hóa, du lịch sinh thái, phiêu lưu, du lịch MICE của nhóm khách hàng này. Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng hầu hết các nhu cầu này.
Bên cạnh các yêu cầu phổ quát đối với dịch vụ du lịch, du lịch thân thiện với người Hồi giáo phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản cho người Hồi giáo về cơ sở lưu trú, về tour du lịch, về hướng dẫn viên. Một số yếu tố cơ bản bao gồm:
Cơ sở lưu trú phải đảm bảo sạch sẽ, an toàn, tạo sự thoải mái và an tâm cho người theo đạo Hồi. Phòng ngủ phải đảm bảo diện tích nhất định, có mũi tên chỉ hướng tới Thánh địa Mecca, được cung cấp cuốn kinh Qur’an và thảm cầu nguyện khi được yêu cầu. Khách sạn cũng cần cung cấp thời gian chính xác cho các lễ nguyện trong ngày [iii]. Trong phòng khách sạn không có những sản phẩm như đồ uống có cồn, văn hóa phẩm khiêu dâm… Nếu có bể bơi, phòng gym thì cần đảm bảo sự tách biệt cho khách nữ (có thể quy định về khung thời gian dành riêng cho nữ). Cơ sở lưu trú cần có nhà hàng đạt chuẩn Halal, hoặc có khả năng cung cấp thực phẩm Halal cho khách (trong trường hợp không có nhà hàng Halal riêng thì có thể liên kết với các nhà hàng Halal trong khu vực để cung cấp đồ ăn, thức uống cho khách). Trong tháng Ramadan, cần đảm bảo có bữa ăn trước lúc rạng đông (trước khi có ánh sáng mặt trời) và bữa ăn xả chay (bữa ăn nhẹ sau khi mặt trời lặn). Nếu có thể nên bố trí một khu vực riêng để làm lễ nguyện tập thể (đặc biệt là trong tháng Ramadan).
Các nhân viên của cơ sở lưu trú, của công ty lữ hành hay hướng dẫn viên phải được đào tạo kiến thức cơ bản trong ứng xử với người Hồi giáo, từ cách ăn mặc đến thái độ khi tiếp xúc với khách.
Các công ty lữ hành khi xây dựng chương trình, lựa chọn điểm đến cần quan tâm tới các nhu cầu của người Hồi giáo. Không bố trí khách tới thăm những nơi sản xuất, trưng bày, kinh doanh sản phẩm haram [iv], các địa điểm tôn giáo không phải của Đạo Hồi, các địa điểm kinh doanh văn hóa, giải trí không thích hợp như có yếu tố khiêu dâm… Việc bố trí chương trình thăm quan cần tính tới thời điểm và thời gian dành cho các lễ nguyện trong ngày….
Việc xây dựng, ban hành một tiêu chuẩn đáp ứng các yêu cầu trên được kỳ vọng là một cú hích cho các doanh nghiệp du lịch, lữ hành Việt Nam tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm của mình thông qua việc phục vụ dòng khách du lịch từ Trung Đông và các quốc gia Hồi giáo, đóng góp vào chương trình phát triển ngành Halal của Việt Nam.
Trần Quốc Dũng – Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT)
Trung tâm Chứng nhận Halal Quốc gia (HALCERT) phối hợp với Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (VSQI) xây dựng, trình Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (STAMEQ) thẩm định, trình Bộ Khoa học và Công nghệ (MOST) công bố tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) 14230:2024 – Dịch vụ du lịch thân thiện với người Hồi giáo – Các yêu cầu. Tiêu chuẩn được xây dựng để tương thích với các tiêu chuẩn của các nước Hồi giáo và trên cơ sở đáp ứng các yêu cầu của người Hồi giáo. |
[i] Halal theo tiếng Ả rập là “được phép” theo quy định của đạo Hồi (Islam). Sản phẩm, dịch vụ Halal là sản phẩm, dịch vụ đáp ứng các yêu cầu của luật Hồi giáo để người Hồi giáo có thể sử dụng. Hiện nay liên tục có một số lượng rất lớn người phi Hồi giáo cũng sử dụng các sản phẩm Halal.
[ii] Worl Economic Forum (in colaboration with the University of Surrey), Travel & Tourism Development Index 2024 Insight Report, May 2024
[iii] Người Hồi giáo làm lễ nguyện 5 lần mỗi ngày, ở các mốc thời điểm cố định.
[iv] Haram, ngược lại với Halal, là những điều cấm kỵ với người Hồi giáo như sử dụng thịt lợn, chó, các loài lưỡng cư, động vật có độc như rắn…, các sản phẩm có chất gây say xỉn mất lý trí như cồn, ma túy,… và các hành vi văn hóa không phù hợp khác.