Việt Nam, với cảnh quan thiên nhiên đa dạng và di sản văn hóa phong phú, là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn tại Đông Nam Á. Tuy nhiên, khi nói đến phân khúc du lịch thân thiện với người Hồi giáo (Muslim-Friendly Hospitality Services – MFHS), Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Theo dự báo của State of the Global Islamic Report (2024) [1], chi tiêu cho du lịch của người Hồi giáo sẽ tăng từ 133 tỷ USD năm 2022 lên trên 200 tỷ USD vào năm 2030 với mức tăng trưởng hằng năm (CAGR) đạt khoảng 5.5%. Sự gia tăng dân số Hồi giáo và tầng lớp trung lưu tại các quốc gia Hồi giáo đang mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào phân khúc du lịch này.
Nguồn: Bộ Ngoại giao [2]
Tuy nhiên, du lịch thân thiện với người Hồi giáo không chỉ đơn thuần là cung cấp dịch vụ du lịch phổ quát. Nó đòi hỏi các dịch vụ phải tuân thủ các quy tắc tôn giáo Hồi giáo, từ thực phẩm Halal đến cơ sở lưu trú, dịch vụ lữ hành và các tiện ích liên quan. Trong bối cảnh dân số Hồi giáo trên thế giới không ngừng tăng trưởng, cùng với nhu cầu du lịch bùng nổ, đặc biệt là sự phát triển của tầng lớp du khách Hồi giáo chi tiêu cao, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để khai thác một thị trường tiềm năng đầy hấp dẫn: phát triển dịch vụ du lịch thân thiện với người Hồi giáo. Theo PGS.TS. Đinh Công Hoàng – Viện Nghiên cứu Tây Á, Nam Á và Châu Phi (ISWASS), đây là phân khúc đầy triển vọng, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho các doanh nghiệp nước nhà.
Về mặt địa lý, Việt Nam có lợi thế đặc biệt khi nằm gần các quốc gia Hồi giáo lớn như Indonesia, Malaysia, và Brunei. Đây là điều kiện thuận lợi để thu hút du khách từ những thị trường lân cận này. Các điểm đến nổi tiếng của Việt Nam như Vịnh Hạ Long, Hội An hay Huế không chỉ là danh thắng đẹp mắt, mà còn rất phù hợp để phát triển các dịch vụ dành riêng cho khách Hồi giáo nếu được đầu tư bài bản. Một điểm cộng khác là chi phí du lịch tại Việt Nam tương đối thấp so với khu vực. Điều này giúp thu hút du khách có thu nhập trung bình từ các nước Đông Nam Á – một trong những thị trường phát triển nhanh nhất hiện nay.
Tuy nhiên, cơ hội này đi cùng với nhiều thách thức mà các doanh nghiệp trong ngành phải đối mặt, khiến họ chần chừ trong việc chuyển đổi mô hình kinh doanh, dần dà khiến thị trường này được ví như còn đang “ngủ quên.” Theo chia sẻ về vấn đề của đại sứ các nước OIC (Tổ chức hợp tác Hồi giáo), một trong những rào cản lớn nhất là sự thiếu hụt nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng Halal. Tại Hà Nội, chỉ có số ít nhà hàng đạt chứng chỉ Halal – còn quá khiêm tốn để đáp ứng nhu cầu của cả cộng đồng Hồi giáo địa phương lẫn du khách quốc tế. Sự khan hiếm này khiến nhiều khách du lịch gặp khó khăn trong việc tìm kiếm dịch vụ phù hợp với họ.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp du lịch vẫn chưa thực sự hiểu rõ về văn hóa Hồi giáo và tầm quan trọng của tiêu chuẩn Halal. Điều này dẫn đến việc họ chưa đầu tư đúng mức vào việc phát triển dịch vụ, khiến Việt Nam chưa thể cạnh tranh với các nước láng giềng như Thái Lan hay Singapore – những quốc gia đã đi trước một bước trong việc xây dựng hạ tầng du lịch thân thiện với người Hồi giáo, với chỉ số Du lịch Thân thiện với người Hồi giáo toàn cầu (GTMI) đứng đầu trong các quốc gia phi Hồi giáo (theo Mastercard và Cresent Rating, 2024) [3]. Theo khảo sát được thực hiện tại hội thảo về du lịch thân thiện với người Hồi giáo tại Bình Thuận, phần lớn doanh nghiệp tham gia đều phản hồi rằng việc thiếu hiểu biết về Halal và rào cản tài chính chính là thách thức lớn nhấn ngăn cản họ tham gia vào mô hình kinh tế này.
Một khó khăn khác chính là sự phổ biến của tiêu chuẩn quốc gia TCVN 14230:2024 – Dịch vụ du lịch thân thiện với người Hồi giáo – Các yêu cầu. Việc Trung tâm Chứng nhận Halal Quốc gia phối hợp cùng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam xây dựng và gửi trình Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia thẩm định và Bộ Khoa học & Công nghệ ban hành bộ tiêu chuẩn này chính là một cú hích cho các doanh nghiệp du lịch, lữ hành Việt Nam đang muốn tìm một ngách thị trường mới. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp còn chưa biết đến, và chưa tiếp cận đến bộ tiêu chuẩn này, từ đó chưa thể tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm của mình thông qua việc phục vụ dòng khách du lịch từ Trung Đông và các quốc gia Hồi giáo, đóng góp vào chương trình phát triển ngành Halal của Việt Nam
Hơn nữa, việc đào tạo nhân lực và nâng cao nhận thức về văn hóa Hồi giáo cũng là một yếu tố then chốt. Các doanh nghiệp cần tổ chức các khóa đào tạo cho nhân viên về tiêu chuẩn Halal, từ đó đảm bảo cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, phù hợp với nhu cầu đặc thù của du khách. Song song với đó, đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng như khách sạn, nhà hàng đạt chuẩn Halal tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, và TP.HCM sẽ giúp Việt Nam dần trở thành điểm đến quen thuộc của khách du lịch Hồi giáo.
Cuối cùng, Việt Nam cần đẩy mạnh các chiến dịch quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch Halal qua các kênh truyền thông quốc tế và sự kiện du lịch toàn cầu. Chỉ khi tận dụng tốt cả cơ hội và thách thức, Việt Nam mới có thể khẳng định mình trên bản đồ du lịch dành cho người Hồi giáo, mở ra hướng đi mới đầy triển vọng cho ngành du lịch nước nhà.
Tóm lại, du lịch thân thiện với người Hồi giáo là một thị trường tiềm năng mà các doanh nghiệp Việt cần khai thác để đa dạng hóa nguồn khách và tăng cường cạnh tranh quốc tế. Mặc dù hiện nay còn nhiều thách thức, nhưng với các giải pháp phù hợp như xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, đào tạo nhân lực và phát triển cơ sở hạ tầng Halal, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một điểm đến hấp dẫn cho du khách Hồi giáo. Việc đầu tư vào phân khúc này không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn góp phần nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên bản đồ du lịch quốc tế.
Hồng Quân – Trung tâm Chứng nhận Halal Quốc gia (HALCERT)
[1] DinarStandard. (2022). State of the global Islamic economy report 2022/2023. Retrieved from https://www.dinarstandard.com/post/state-of-the-global-islamic-economy-report-2023
[2] Báo Thế giới & Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Đặc san Halal số 01/2024
[3] CrescentRating. (2024). Global Muslim travel index 2024. Retrieved from https://www.crescentrating.com/reports/global-muslim-travel-index-2024.html