Halal là tiêu chuẩn dựa trên luật của Hồi giáo, mà trong đó có các quy định đặc biệt liên quan đến ăn kiêng, nguồn gốc thức ăn và cách chế biến. Du lịch Halal đang phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu.
>>Xu hướng du lịch tái tạo năng lượng và chăm sóc sức khỏe
Ông Trần Văn Tân Cương, Giám đốc Công ty Halal quốc gia Việt Nam cho biết, thị trường thực phẩm Halal dành cho người Hồi giáo trên thế giới hiện phục vụ khoảng hơn 2 tỷ người. Đáng chú ý, khu vực Đông Nam Á – Nam Á – Nam Thái Bình Dương là thị trường xuất khẩu tiềm năng của sản phẩm Halal với số dân theo đạo Hồi và sử dụng thực phẩm Halal khoảng 860 triệu người.
Không chỉ vậy, nhiều người không theo đạo Hồi ở những nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU)… cũng ngày càng ưa chuộng sản phẩm Halal, do các mặt hàng này đáp ứng các tiêu chuẩn cao về vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường.
Việt Nam hiện nay vẫn còn thiếu khá nhiều cơ sở phục vụ lưu trú, ẩm thực theo tiêu chuẩn Halal, các điểm cầu nguyện, mua sắm… phục vụ du khách Hồi giáo.
Theo ông Trần Văn Tân Cương, ngày càng có nhiều siêu thị và đại siêu thị đang cho lên kệ hàng các sản phẩm Halal để thu hút người Hồi giáo. Riêng thị trường thực phẩm Halal Đông Nam Á có quy mô 230 tỷ USD. Tuy nhiên, xuất khẩu sản phẩm Halal của Việt Nam còn rất khiêm tốn.
Bên cạnh ẩm thực, du lịch Hồi giáo cũng đang khôi phục nhanh sau đại dịch. Thống kê của các hãng lữ hành cho thấy, số lượng khách Hồi giáo từ Singapore, Malaysia, Indonesia đến Việt Nam đang tăng rất nhanh. Nhiều thành phố lớn của Việt Nam đang thu hút ngày càng nhiều du khách Hồi giáo từ Đông Nam Á cùng nhiều khu vực khác như Trung Đông, châu Âu, châu Mỹ…
Tuy nhiên, Việt Nam hiện nay vẫn còn thiếu khá nhiều cơ sở phục vụ lưu trú, ẩm thực theo tiêu chuẩn Halal, các điểm cầu nguyện, mua sắm… phục vụ du khách Hồi giáo.
Để thu hút mạnh mẽ du khách Hồi giáo đến với Việt Nam trong thời gian tới, ông Hosen Yousof, Tổng giám đốc Công ty CP Halatrip Việt Nam cho rằng, cơ quan quản lý cùng với các doanh nghiệp khai thác du lịch phải chung tay để xây dựng đồng bộ: Bộ quy chuẩn chung về quản lý khai thác các dịch vụ du lịch Halal; xây dựng cơ sở vật chất hệ thống dịch vụ đồng bộ, hấp dẫn; đào tạo nguồn nhân lực Halal theo tiêu chuẩn quốc tế để phục vụ khách du lịch quốc tế từ văn hóa giao tiếp ứng, quy trình phục vụ, nhu cầu riêng biệt của khách Hồi giáo…
Phát triển truyền thông gia tăng hình ảnh và uy tín của thương hiệu Halal Việt Nam grong mắt bạn bè Hồi giáo quốc tế; tăng cường các hoạt động giao lưu, xúc tiến thương mại và du lịch hai chiều với các quốc gia Hồi giáo; tạo ra nhiều sản phẩm chứng nhận Halal để đáp ứng nhu cầu mua sắm và tiêu dùng của người Hồi giáo…
Các đại biểu dự Lễ công bố Halalfood for Muslim tại nhà hàng Spices.
Bên cạnh đó, Công ty Halal Quốc gia Việt Nam vừa trao chứng nhận Halalfood và Halal Kitchen cho khu vực tầng 2 dành cho thực phẩm tại nhà hàng Spices Taste of Indian, 37 Quang Trung (quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội) thuộc sở hữu của Công ty TNHH Vielanka, sau 3 tháng khảo sát, tư vấn, đào tạo, áp dụng quy trình đánh giá.
Lễ công bố Halalfood for Muslim tại nhà hàng Spices là một sự kiện chứa đựng hai mục tiêu cơ bản là kết nối kinh doanh và tạo cơ hội hợp tác với Spices và các bên tham gia, cộng đồng kinh doanh ngành du lịch Việt Nam và cộng đồng Hồi giáo.
Ông Đinh Hữu Phúc, Giám đốc Quan hệ công chúng, Công ty Berlin Love Việt Nam cho biết, doanh nghiệp này đang có kế hoạch xuất khẩu hai sản phẩm chủ lực là trà lá Tre Bleaf và nước khoáng Tre Balala sang thị trường Trung Đông. Ông muốn thông qua sự kiện lần này để tìm kiếm khách hàng và làm chứng nhận Halal quốc tế cho hai sản phẩm trên.
Minh Châu